Năm nay ông 96 tuổi, còn bốn năm nữa là bách niên. Bà cũng đã vào ngưỡng 93. Cặp “lá vàng” này cứ lủng liểng trên cõi trần, đêm ngày tự nhủ: mình chưa thể chết, chết thì ai nuôi con bé Nụ khốn khổ…
Ông bà Ý và cô Nụ - Ảnh: Đ.L.Q.
Không oán thán trời cay nghiệt, không chờ trợ giúp của bất kỳ ai, cặp vợ chồng già ngoài 90 tuổi ấy cứ bình thản chống lại bệnh tật và tuổi già, gắng gỏi nuôi người con gái tật nguyền. Nụ, cô con gái của họ, bị bệnh dò xương, xương cứ tự vỡ tự lành suốt hàng chục năm qua. Ngần ấy năm, Nụ chưa bao giờ biết tự cử động chân tay, đến việc đêm xuống ngả lưng ra ngủ cô cũng không thể làm được.
Gần 100 tuổi vẫn là chỗ dựa của gia đình
Cái gia đình khổ đến tận cùng ấy sống trong ngôi nhà lợp lá cọ sùm sụp ở xã Tạ Xá, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ. Bà là Nguyễn Thị Đảm, mắt mờ đục như hạt nhãn khô, đi chậm như “con rùa lật ngửa”. Ông là Lê Văn Ý, lưng còng gập như thớt lạc đà, bé nhỏ ngồi lọt thỏm trên cái ghế gỗ cũ đen bóng nhẫy. Căn nhà phủ đầy mạng nhện, tối tăm. Họ “tiết kiệm năng lượng” đến mức mỗi tháng gia đình chỉ tiêu tốn hết 12.000 đồng tiền điện. Giữa ban ngày, dùng đèn pin soi khắp bốn vách tranh nứa chỉ có hai cái giấy mừng thọ của Hội người cao tuổi. Bốn con mắt đã tàn sức sống của hai cụ nhìn vào khách lạ nhưng như đang nhìn vào hư vô.
Ông Ý ra lời trước, lời lẽ của ông cổ kính: “Tôi là tôi mắc những cái bệnh cựu (bệnh cũ từ lâu). Lẽ ra tôi chết từ lâu rồi. Bệnh viện người ta đã hút rất nhiều mủ từ trong gan tôi ra. Tôi trước đi dạy bình dân học vụ xóa mù chữ suốt bốn năm, dạy cho mấy xã quanh đây để cho bà con biết chữ. Rồi tham gia hướng dẫn dân công đi phá đồn Chủ Chè ở Cẩm Khê. Đi dân công lên Tu Vũ (Hòa Bình), vượt đèo Pha Đin đi phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, sang tận Thượng Lào. Nhưng khi về người ta bảo phải “chạy” mới được chế độ. Cái cánh đi với tôi, mỗi mình tôi chả được gì, anh ạ”.
Kể về mình, bà Đảm nói: “Tuổi tôi cao lắm rồi, không nhớ đâu. Tôi và ông Ý già này đẻ được 11 đứa con, giờ chỉ nuôi được bốn đứa. Bảy đứa con trai thì ối giời ơi, chết mất sáu đứa. Duy nhất còn thằng Quý nhưng nó lại là người vớ vẩn, tính nó dở dở mà lấy con vợ ghê gớm… Hiện nó đi ở rể, đến việc về thăm bố mẹ cũng không dám”. Theo bà Đảm, các con còn lại của bà đều nghèo khó, “lâu lâu chúng đáo qua, có khi chăm mẹ được một buổi thì ăn lẹm cả vào nồi cơm”. Rõ khổ, những tưởng trẻ cậy cha, già cậy con, ai dè sắp bước vào ngưỡng “nhân sinh ba vạn sáu nghìn ngày” rồi mà ông bà vẫn là chỗ dựa cho cả đàn con! Đúng là “cá chuối đắm đuối vì con”.
Vỡ xương và đau đớn suốt đời
Nụ chỉ mặc một cái quần dài cắt bỏ ống cho thuận tiện khi đi vệ sinh, xung quanh tanh lợm. Đôi chân cô mềm oặt, teo tóp, cong vẹo. Đôi tay cũng vậy. Bác sĩ bảo xương cô cứ vỡ từng miếng, đi lắp miếng này lại vỡ miếng khác, xương nát ra như bột nghiền, đắp chỗ chân lại phá ra chỗ tay. Nụ bảo đau nhức lắm, phải chịu suốt đời, đau như có con gì cắn xé khắp cơ thể.
Ông Ý và bà Đảm giờ yếu lắm nhưng vẫn phải tự tay làm lụng kiếm sống. Một cuộc sống hầu như tự cung tự cấp. Ông Ý bảo: “Nhà mấy thước ruộng. Vùng này ngập úng nhiều, may thì được ăn, chẳng may thì cũng chẳng được gì”. Ông Ý thường vắng nhà. Ông còng lưng, úp mặt với bờ ruộng mà đi kiếm ăn: có khi đi đánh giậm, xúc tép giữa giá rét căm căm, có khi đi vơ cỏ, đi cấy hay đi gặt như người khỏe mạnh. Không làm thì biết lấy gì mà sống? Câu hỏi nhẹ mà như dao cứa của hai cụ khiến tôi thấy nao cả lòng.
Nghe bố mẹ nói chuyện với khách, cô con gái tàn tật Lê Thị Nụ cứ ngồi cười cười. Nụ không biết chữ nhưng chuyện xóm làng đều biết hết, bởi cái đầu cô vẫn minh mẫn bình thường. Không biết tự mắc áo quần nên ai tặng áo thì Nụ nhờ mẹ khoác vào mắc, treo lên những sào tre để… ngắm. “Cháu nó tàn tật từ bé” - ông Ý thở dài, rồi lấy cớ đi ra đầu chái, đứng cạnh đám lá cọ cũ mục gạt nước mắt.
“Tôi phải để cháu ngồi cái ghế vỡ hổng thế này cho dễ khênh lên thay quần áo. Cháu nó như người bị cầm tù bấy nhiêu năm qua, thỉnh thoảng thương nó quá, tôi lại cầm hai chân, xoay cái mông nhọn hoắt của nó đi một tí, gọi là có được di chuyển” - vừa nói bà Đảm vừa bê bốn cái nồi bé xíu, méo xệch dọn cơm bón cho Nụ ăn. Một cái nồi đã mốc meo, một cái khác có quả trứng chưng mặn lên ăn làm mấy bữa, và vài cọng rau muống luộc. Thức ăn nhường cho Nụ, ông bà ăn rau với bột canh. Bà Đảm bón cơm cho Nụ. Bà đang lui cui thì Nụ đã há miệng, ông Ý lại vội vàng gắp một miếng rau thả vào miệng con. Hai người già phải chung tay mới kịp cho cô gái ăn uống.
Bà Đảm tâm sự: “Ông ấy già quá rồi, nhưng nếu ông ấy chết thì chắc cả nhà cùng phải chết. Ông ấy là trụ cột”. Nghe vậy, ông Ý quay ra mắng: “Bà cứ nói gở, tôi mà dám chết thì tôi đã chết từ ngày bệnh cựu nó phá gan tôi. Tôi không dám chết là vì bà và con Nụ. Rõ thật lẩm cẩm, cái bà này!”.
Không dám về với tổ tiên
Một lần, ông Ý cố sức bế Nụ lên để bà Đảm thay quần áo khi Nụ “có tháng”. Lẩy bẩy thế nào ông bị trẹo chân, Nụ ngã, bố gặp nạn, không tài nào nhấc Nụ lên được nữa. Nụ cứ nằm gục trên đất lạnh như người bị trói. Bà Đảm từ nhiều năm nay đã “bó tay” với việc nhấc Nụ lên. Thế là ba người cứ nhìn nhau. Nụ khóc lóc, oán trách bệnh tật. Bà Đảm bảo: “Con đừng nói nữa mà mẹ lại khóc”. Sáng ra phải đi gọi hàng xóm đến bế Nụ ngồi dậy.
Nghèo khó, túng bấn, chỗ nào nước đục và bẩn nhất cánh đồng thì ông Ý có mặt để kiếm cá nuôi con. Bà Đảm nằm viện liên miên. Thấy hai người già bệnh tật, cô đơn, nuôi một người tàn tật, xóm làng có giúp đỡ chút đỉnh, Nhà nước cũng trợ cấp hằng tháng hơn trăm nghìn, nhưng nào có thấm gì so với cuộc sống của ba người bệnh tật. Thôi thì khoanh tay chờ sự xoay vần...
Đêm nay gió lạnh về, có thể Nụ lại đổ kềnh khi đang úp mặt vào hai xương bánh chè của mình mà ngủ một cách tội tình. “Lá vàng” không dám rụng, nhưng trời bắt về với tổ tông thì ai nuôi Nụ? Giọng ông Ý thật thà: “Chết rồi thì tôi còn biết cái gì nữa. Chỉ mong nếu Nhà nước có thương thì nuôi hộ con bé Nụ cho chúng tôi”.
Những cặp mắt đục mờ nhìn ra cánh đồng trước mặt. Từ sân nhà ông Ý chỉ nhướng một cái là thấy cánh đồng. Tuổi ông bà cũng vậy, rất gần với cánh đồng làng.