“Không ai muốn nhốt con trong cũi cả chú nờ. Là những người làm cha làm mạ chúng tôi đau cắt ruột, thắt lòng, xé gan, nhưng biết phải mần răng chừ? Thả ra thì nó “quậy” tứ tung, sức già răng mà cự được?...”. Nước mắt của hai vợ chồng ông Từ Công Tuấn và bà Lê Thị Tỏa chảy dài khi kể về người con Từ Thị Dinh đã gần 30 năm “buộc phải nhốt” trong cũi...
Bà Tỏa chăm sóc cho con ở trong... cũi.
Tìm mãi, chúng tôi mới tới được nhà ông Tuấn, xóm Nam Áng, xã Tân Ninh, H. Quảng Ninh, Quảng Bình khi trời đã về chiều. Bên căn nhà dột nát, ông Tuấn đang gom củi để nấu cơm. Gọi mãi lúc sau, bà Tỏa mới dắt con trâu ở đồng xa về. Bà Tỏa vừa thở vì lo có chuyện chi mà chồng cho gọi gấp, vừa lắp bắp: “Các chú chờ tui chút, để tui vô mặc áo quần cho con bé cái đã vì mặc vào là nó xé rách nát hết”. Vọng từ buồng trong là tiếng hét đựng, gào thét, tiếng người mẹ vừa mếu máo sụt sùi vừa dỗ dành... Ông Tuấn tiếp khách cũng không cầm lòng: “Mỗi khi lên cơn là khủng khiếp lắm. Nó làm đủ trò chú à. Vợ chồng tui chỉ biết khóc mà dỗ dành con thôi. Đã mấy chục năm rồi gia đình tui sống trong cảnh vậy đó”.
Một lúc sau, Dinh đã chịu để cho người mẹ mặc áo quần nhưng vẫn còn rên xiết. Bà Tỏa giặt khăn nhẹ nhàng lau mặt cho con, kể: “Như thế này là bình thường chứ nhiều lúc cháu lên cơn dữ lắm, tội nghiệp. Gần 30 năm nay, hầu như ngày nào chúng tôi có vui, có ngủ được yên giấc đâu”.
Ông Tuấn đi thanh niên xung phong vào năm 1965, thuộc Binh trạm 8- Binh đoàn 559, bảo vệ cầu đường ở tận bên Lào. Đến năm 1967 thì bị thương, ông điều trị ở Bệnh viện 41(Nông trường Phú Quý, Quảng Bình), sau đó chuyển về ĐƠN vị 362 đến ngày 12-9- 1968 thì vào Trung đội Trinh sát chiến đấu ở chiến trường Cồn Tiên- Dốc Miếu (Quảng Trị). Sau chiến tranh, năm 1977 ông lấy bà Tỏa, quê Hồng Thủy, Lệ Thủy là một dân quân tự vệ ở địa phương trực 12 ly 7. Năm 1979, ông bà sinh con đầu lòng Từ Thị Dung. Khi sinh ra Dung bình thường. Nỗi vui mừng khôn xiết bên mái ấm hạnh phúc của đôi vợ chồng có con muộn chưa được bao lâu thì 1 năm sau Dung tự dưng tái phát bệnh rồi chết. Trống trải quá, năm 1980, ông bà quyết định sinh con thứ 2, Từ Thị Dinh. Cũng giống như người chị, khi sinh ra Dinh bình thường nhưng 1 năm sau thì phát bệnh và ngày càng nặng. Gia đình, họ hàng chạy hết thợ thầy để chăm sóc cho Dinh nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Do cuộc sống khó khăn, phải đi làm để kiếm tiền mua thuốc nên ông bà Tuấn phải để con ở trong cũi cho đỡ lo. Nhưng càng lớn Dinh càng “trở chứng”, quậy phá khắp làng nên đành phải “nhốt” luôn trong cũi. Hễ áo quần mặc vào thì Dinh xé nát tanh bành rồi bỏ vào miệng... Gia đình phải mời bác sĩ chữa bệnh thường xuyên vì bệnh tình của Dinh hay trở chứng. Ông bà muốn có thêm con để an ủi phần nào, nhưng 3 lần sinh tiếp theo bà đều bị sẩy thai. Giờ tuổi già hai ông bà chỉ trông cậy vào Dinh. “Con nào cũng là con. Nhưng sau này chúng tôi qua đời không biết cháu sẽ ra sao. Chúng tôi nhắm mắt mà không yên tâm”.
Cuộc sống gia đình ông bà Tuấn hiện rất khó khăn, chỉ trông chờ vào 2 sào ruộng, tiền chu cấp thương binh 4/4 và tiền hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam của Dinh. Nhưng điều khổ tâm nhất của ông bà Tuấn là đứa con buộc phải nhốt ở trong cũi chứ không thể để ra ngoài được. Liệu nay mai ông bà qua đời Dinh sẽ nương dựa vào đâu? Chỉ một câu hỏi nhưng khiến chúng tôi trăn trở mãi từ khi chia tay gia đình ông bà Tuấn đến giờ...