“Chị ơi, chị nhớ gởi giúp em mấy tấm ảnh của gia đình, lỡ có bề gì, sau này, con em còn có kỷ niệm để nhớ mặt mẹ nó!” thầy Thành chạy theo chúng tôi, dặn dò. Lời thầy nghe se thắt cả lòng! Nhìn qua kính xe, đôi vợ chồng trẻ cùng đứa con năm tuổi đang vẫy tay chào. Cũng có thể, chúng tôi đang nhìn thấy những hình ảnh sum họp cuối cùng của gia đình này…
Mong đây không phải là hình ảnh sum họp cuối cùng của gia đình cô Đức.,
Nhơn Lý là một bán đảo thuộc thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Không chỉ cách trở, không chỉ nghèo khó, vùng đất ở đầu sóng, ngọn gió này mỗi năm còn vài lần oằn mình trong bão. Khắc nghiệt là vậy, vợ chồng thầy Nguyễn Ngọc Thành và cô Trần Thị Đức vẫn tình nguyện bám trụ dạy chữ cho trẻ em làng biển. Hơn mười năm ở lại đảo là chừng ấy thời gian hai vợ chồng đến từng nhà vận động đưa trẻ tới trường. Thế nhưng, ước mơ đưa các em đi xa hơn cái làng chài nhỏ bé ấy chưa trọn thì hai năm trước, sau một lần cô Đức ngất xỉu khi đang đứng lớp, bác sĩ cho biết: cô bị suy thận giai đoạn cuối…
Cô giáo nghèo của những trẻ em nghèo
Cô Đức là con gái út trong một gia đình năm con. Không hiểu do đâu, cả bốn người anh của cô đều mang bệnh suy thận mãn. Hai người anh lớn lần lượt qua đời. Để có tiền đi học và giúp con của hai anh đến trường, ngoài giờ lên lớp, cô lại lên núi tìm những ổ kiến vàng. Hai cánh tay chai sần là kỷ niệm của những năm tháng cô lấy tay mình làm mồi nhử cho kiến cắn để lấy trứng. Thường thì nửa ngày trời chịu kiến cắn đến sưng cả tay, cô mới lấy được chừng một lon trứng đem bán cho những người nuôi chim ở Quy Nhơn.
Sau khi tốt nghiệp cao đẳng sư phạm Quy Nhơn, cô Đức tình nguyện về dạy học ở Nhơn Lý. Mười năm trước, vùng đảo này hãy còn cách trở. Muốn đến đây, các thầy cô phải đi nhờ thuyền đánh cá mất nửa ngày trời. Bao đời nay, dân nơi đây sinh sống bằng nghề biển. Trẻ em lớn lên thường theo cha mẹ đi khơi, ít được học hành. Do vậy, không chỉ thiếu thốn về vật chất, về đây, các thầy cô giáo còn phải đến từng nhà, năn nỉ học trò đến lớp. Vì vậy, thường các giáo viên trẻ về đây thì sau thời gian phân công (khoảng ba – bốn năm), họ đều chọn vùng quê khác để công tác và sinh sống. Riêng cô tiếp tục ở lại.
Trên vùng đảo nghèo này, cô Đức gặp và yêu thầy Thành. “Ngày ấy, Đức biết số mình là số khổ, sợ ai cưới Đức sẽ khổ theo, nên cứ chần chừ miết. Nhờ các thầy cô động viên, Đức mới quyết tâm đi khám bệnh. Đức nguyện rằng nếu khoẻ mạnh, Đức mới lấy chồng. Còn nếu mang căn bệnh giống các anh trai, Đức sẽ ở một mình tới chết. Ngày ấy, vì anh Thành quá yêu Đức, gia đình quá thương Đức nên đã giấu kết quả, không cho Đức biết sự thật”, cô kể trong nước mắt.
“Mẹ ơi, đừng chết!”
Trong lúc trò chuyện, thỉnh thoảng, cô Đức lại ôm ngực, thở dốc. Khi ấy, bé Nguyễn Minh Nhật lại ôm chầm lấy mẹ khóc thét: “Mẹ ơi, đừng chết, đừng chết bỏ con mẹ ơi!”. Nhìn con, hai vợ chồng cô Đức chỉ biết khóc. Bữa cô ngất xỉu, thầy Thành đặt bé Nhật ngồi sau xe máy, một tay lái xe, một tay ôm vợ chạy từ đảo Nhơn Lý về bệnh viện Quy Nhơn. Đến bãi xe bệnh viện, thầy Thành bỏ xe, bỏ con, ẵm vợ lên phòng cấp cứu. Tới nửa đêm, trời rét buốt, thầy mới sực nhớ bỏ quên đứa con chưa đầy ba tuổi ở bãi giữ xe. Thấy đứa bé khóc khô cả cổ, người giữ xe tốt bụng đã cho bé ăn và quàng cho một chiếc áo ấm. Thương nhất là những ngày thầy Thành cũng nằm viện vì viêm bàng quang và sỏi thận, không ai trông nom, bé Nhật cũng phải theo mẹ nằm bệnh viện. Một tay cô Đức truyền nước, một tay gối đầu cho con ngủ.
Sau đợt nhập viện ấy, bác sĩ yêu cầu cô Đức từ giã bục giảng và phải chạy thận nhân tạo ba lần/tuần. Nguồn thu nhập trong gia đình đã giảm đi phân nửa, còn sức khoẻ cô Đức ngày càng suy kiệt. Để có tiền chữa bệnh, hai vợ chồng đã vay tín chấp ở ngân hàng và mượn bà con hàng xóm. Hàng tháng, sau khi trừ nợ, lương của thầy Thành chỉ còn lại 200.000 đồng. Chưa tính đến chi phí ăn ở, điều trị, số tiền ấy chưa đủ để đóng nửa tháng học phí cho con. Vậy là, bé Nhật phải nghỉ học. Nhìn con, xót xa không chịu được, hai vợ chồng tính mọi phương cách. Những lúc bớt đau, cô Đức gượng dậy xẻ từng con cá cơm nhỏ xíu, phơi khô, chiên tẩm và bán cho trẻ em trong xóm với giá 100 đồng/con. Sau mỗi lần chạy thận, hai vợ chồng ghé các tiệm sách cũ ở thành phố Quy Nhơn lựa từng quyển sách cũ về đảo cho thuê lại. Thầy cô còn tận dụng những trang giấy thừa đóng thành những cuốn tập mới cho học trò. Khó khăn là vậy, bệnh tật là vậy, nhưng cô Đức vẫn mở một lớp học miễn phí tại nhà. Những lúc khoẻ, cô lại đến từng nhà, vận động các em đi học.
Khi tôi viết những dòng này, cô Đức lại đang nhập viện. Bác sĩ cho biết muốn kéo dài sự sống hơn nữa, cô phải được thay thận. Nhưng số tiền 100 triệu cho ca thay thận là quá lớn với gia đình của vợ chồng thầy giáo nghèo ấy. Năm nay, cô Đức mới 30 tuổi. Con trai cô mới lên năm. Cô còn quá trẻ, con cô còn quá thơ dại cho một cuộc sinh ly tử biệt. Chợt nhớ lời nói ngây thơ của bé Nhật mà đau thắt lòng: “Mẹ ơi, con thích nằm ngủ lên cánh tay mẹ lắm. Chừng nào mẹ hết bệnh, mẹ cho con nằm lên cánh tay của mẹ nghen. Mẹ đừng chết bỏ con, mẹ ơi!”
Nguồn:Internet.