Bước chân xuân mới đến gần, lòng chị Hồ Thị Tư ngày một nặng trĩu âu lo. Các con chị chưa có một mùa tết trọn vẹn suốt ba năm nay. Cái đói, cái khổ khiến ước ao về những ngày tết đủ đầy hoá xa vời.
Nước mắt ngày đầu năm
Ba năm nay, mẹ con chị Hồ Thị Tư (1974) không có tết. Bước chân năm mới đến gần, nỗi âu lo nặng trĩu trong lòng người thiếu phụ. Chị chẳng biết nói gì, làm gì mỗi khi bốn đứa con dại kéo áo, ngây ngô bảo: “Mẹ ơi! Nhà mình không có gạo, làm sao mà ăn tết?”, “Mẹ ơi! Áo quần các em rách cả rồi. Năm nay, mẹ mua áo quần mới cho các em mẹ nhé”…
Mỗi lần như vậy, lòng chị Tư rối như tơ vò. Những suy nghĩ bắt đầu với hai chữ “Giá như” lại xuất hiện: “Giá như chồng mình còn sống…”, “Giá như mình khoẻ mạnh hơn…”, “Giá như các con lớn hơn một chút…”. Nhưng, thực tại tối đen vẫn ngày ngày đặt ra trước mắt chị: đói khổ luôn đe doạ cuộc sống năm mẹ con.
Bữa cơm muối đầu năm của mẹ con chị Tư
Năm 2006, chồng chị - Anh Hồ Văn Niên đổ bệnh. Chị nhớ như in: “Lúc ấy cũng sắp sửa tết. Hai vợ chồng em mấy ngày làm việc không nghỉ, mong có tiền mua cho con bộ áo quần mới để đón tết. Rồi, anh ấy đột nhiên ngã bệnh”. Chị Tư vội vàng gửi các con cho hàng xóm, đưa anh về Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị chữa trị. Bệnh tai biến mạch máu não khiến anh liệt nửa người. Hai tuần chăm chồng là hai tuần chị mê mê, tỉnh tỉnh. Suốt ngày chị cầu khấn ông trời cho chồng khoẻ mạnh như xưa. Bởi, người mẹ trẻ biết: bốn đứa con dại đang trông ngóng vợ chồng chị về quê ăn tết từng ngày. Lúc xách xắc ra đi, chị bảo với các con: “Mẹ và bố đi vài ngày thôi, để còn về nhà đón tết nữa chứ”.
Mọi việc trái với tiên lượng của người mẹ trẻ. Chồng chị nhắm mắt, xuôi tay sau 2 tuần điều trị. Tết năm ấy, trong ngôi nhà sàn rách như tổ đỉa, tiếng khóc nỉ non của năm mẹ con làm tiếng chiêng, tiếng cồng mừng năm mới như ai oán theo. Nhớ lại ngày tối đen ấy, chị Tư tâm sự: “Lúc chồng mất, em thực sự choáng váng. Chưa bao giờ em nghĩ mình lại rơi vào cám cảnh thế này. Con em: đứa lớn nhất mới 7 tuổi, đứa bé còn ẳm ngữa trên tay. Em chẳng biết làm gì để lo cho các con”.
Bao giờ đến tết?
Chồng mất, chị Tư lo toan mọi công việc gia đình. Vất vả không cho chị khóc thương chồng quá ba ngày tết. Một tay người thiếu phụ lo việc rẫy nương. Một tay chăm sóc bốn đứa con dại. Chị làm việc từ mờ sáng đến xẩm tối. Nhiều lúc muốn ngã quỵ, nhưng người mẹ trẻ vẫn gắng gượng làm việc. Nghĩ đến tiếng than khe khẽ: “Mẹ ơi! Con đói”, ánh mắt thất vọng khi đứa con 3 tuổi đầu nhìn vào chiếc A Chói (cái gùi - PV) trống trơn…, chị lại giục mình cố gắng. Xa hơn, chị cố làm lụng để các con có một ngày tết trọn vẹn. Chị muốn xoá nhoà hình ảnh “Ngày tết nhiều nước mắt đã qua” trong lòng chúng.
Chăm sóc bốn đứa bé cách nhau không quá cái đầu đã khó, lo cho các con đủ ăn, đủ mặc càng trở thành chuyện nan giải. Mặc dù, chị Tư đã cố gắng hết sực, nhưng các con: Hồ Văn Chuân (1999), Hồ Thị Chiếu (2001), Hồ Thị Chớ (2003), Hồ Văn Chiếc (2006) chưa có một bữa no. Nỗi âu lo vì thế càng tích tụ trong lòng người mẹ trẻ. Chị càng cắn răng cố gắng lo cho con miếng cơm, manh áo.
Làm việc luôn tay, suy nghĩ chất chồng… khiến bệnh tật chóng chày kéo đến. Chị bị suy nhược nghiêm trọng, cộng với bệnh gan, đau dạ dày… nên người như chẳng còn sức sống. Thế mà, người thiếu phụ chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện chữa bệnh: “Tiền không có cho các con ăn, thì làm gì dám mơ đến chuyện chữa bệnh hả anh?”.
Trước mỗi dịp tết, cái lạnh cắt da, cắt thịt của núi rừng ập đến. Bệnh tật được đà, kéo ngã chị. Thế nên, ba năm qua, gia đình chị không có tết. Chị tâm sự: “Dân bản thương mẹ con em, người cho lon gạo, người cho cái bánh. Nhờ thế, mẹ con em còn có cái bỏ bụng, chứ mẹ con em làm gì dám mơ đến tết. Tết đối với năm mẹ con chỉ là ngày bình thường thôi”.
Thế nhưng, tâm trí người mẹ trẻ luôn khao khát các con mình có một mùa tết trọn vẹn. Ngày tết ấy, chúng không phải mặc áo quần rách, không phải lo chuyện đói no. Càng khao khát, chị Tư càng quặn thắt khi tết năm nay ngày một đến gần, chị vẫn không sao kiếm ra đồng bạc lẻ. Mắt người mẹ trẻ lại cụp xuống, nhuốm màu buồn. Chị tảng lờ các con mỗi khi chúng nhắc đến chuyện tết nhất. Lòng người mẹ trẻ rối bời, tâm trí cứ lặp đi lặp lại suy nghĩ: “Mẹ hứa, tết năm sau, năm sau…”.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:
1. Chị Hồ Thị Tư: Thôn Khe Xong, thị trấn Krông Klang, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị.
2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học và Dân trí - Báo điện tử Dân trí (Hà Nội)
Số 2/48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội (Cạnh cây xăng Kim Mã)
Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490
Email:
quynhanai@dantri.com.vn * Tài khoản VNĐ:
Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 10 201 0000 220 639
Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Hoàn Kiếm
* Tài khoản USD:
Tên TK : Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK : 10 202 0000 004346
SWIFT Code: ICBVVNVX106
Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương thành phố Hà Nội
3. Văn phòng đại diện của báo:
VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122
VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725
VP HCM: 40/17/16 Nguyễn Văn Đậu, phường 6 quận Bình Thạnh. Tel: 08. 35107. 331
VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 071.3.733.269