Mất hai chân từ năm lên 8 tuổi, nhưng bằng nghị lực phi thường, anh đã trở thành thầy giáo. Đó là anh Lê Hữu Tuấn, 26 tuổi, ở thôn Ngọc Lậu, xã Đông Thịnh (Đông Sơn - Thanh Hóa).
.
Chàng trai tật nguyền không cần đến trường học mà thi tốt nghiệp cấp 1 rồi cấp 2.
Trong không gian yên tĩnh của lớp học, thầy giáo trẻ ngồi trên chiếc xe lăn, giọng nói trầm ấm, bên dưới là hàng chục học sinh đang say sưa nghe giảng.
Đến giờ nghỉ dạy, tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang anh Tuấn cùng gia đình kể lại những tháng ngày vô vọng của mình: “Sinh ra cũng như bao đứa trẻ bình thường khác, lên 6 tuổi tôi theo vào học lớp 1 tại trường Tiểu học cơ sở xã Đông Thịnh.
Tháng 4 năm 1991 khi đang học lớp 2 tự nhiên thấy cơ thể mệt mỏi, lên cơn co giật, bố mẹ đã đưa tôi xuống bệnh viện tỉnh chữa trị, lúc đầu bác sỹ kết luận là bị viêm tủy. Bố, mẹ đưa tôi ra Hà Nội chữa trị tại các bệnh viện lớn. Tất cả đều kết luận tôi bị viêm tủy và vĩnh viễn mất đi đôi chân”.
Về nhà được 5 năm cùng đôi chân tật nguyền, Tuấn tự học. Đến năm 1996, Tuấn nói với bố xin cho mình đi thi hết cấp 1. Cả gia đình ngỡ ngàng khi Tuấn thi đạt điểm rất cao trong lần thi đó. Sau đó, anh được nhà trường cử thi học sinh giỏi toán cấp huyện, Tuấn đoạt giải nhất.
Tuấn lại lâm bệnh nặng. Sau mấy tháng chữa bệnh, Tuấn về nhà khi các bạn đã bắt đầu năm học mới từ lâu. Không thể theo kịp bạn, Tuấn quyết định học tại nhà. Đến năm 1998, Tuấn đi lại xin thi hết cấp 2 cùng các bạn. Các thầy cô giáo đến thăm gia đình và kiểm tra trình độ của Tuấn và đồng ý cho Tuấn tham gia thi. “Lúc đó chỉ còn hai tháng nữa đến kỳ thi Tuấn đã nghỉ học 7 năm. Vậy mà kết quả của Tuấn năm đó đã nằm trong tốp đầu của trường” - Ông Lê Hữu Thu, bố Tuấn kể lại.
Rồi Tuấn tiếp tục theo học THPT tại trường ở quê, mặc dù đã thi đỗ vào trường chuyên của tỉnh. Năm thi hết cấp 3, Tuấn đạt 46 điểm, trong đó cao nhất là môn Toán với 9,5 điểm. Bố đưa Tuấn đi thi vào Khoa Công nghệ Thông tin của trường Đại học Hồng Đức. Năm đó Tuấn đậu đại học với 25,5 điểm và được chọn vào lớp nâng cao.
Khi đang học đại học, Tuấn được nhiều công ty chú ý và mời hợp tác. Nhưng rồi Tuấn lại về quê mở lớp dạy thêm ở địa phương. Thời còn sinh viên, Tuấn kèm một số học sinh ôn thi đại học các môn toán, lý, hóa và các em đều đạt điểm cao trong các kỳ thi. Tiếng lành đồn xa, số học sinh đến học chỗ thầy Tuấn ngày một nhiều. “Lớp học của tôi đang có 600 học sinh từ lớp 10 đến lớp 12 ôn luyện. Hàng năm có khoảng 80% đỗ đại học”. Thầy Tuấn cho biết.
Nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn, thầy không thu tiền. Học phí thầy thu với mức vừa phải. Điều quan trọng là học lực của đa số học sinh theo học lớp của thầy đều khá lên nhanh chóng.
Em Phạm Thị Thùy tâm sự: “Gia đình em rất khó khăn, em lại rất muốn đi học thêm ở chỗ thầy Tuấn. Thầy Tuấn đi xe ba bánh đến tận nhà động viên em đi học, không thu tiền”. Vì thế có những em hàng ngày đi xe buýt hàng chục cây số đến lớp học.
Sau khi học 3 năm ở trường Đại học Hồng Đức, năm cuối do điều kiện của nhà trường không cho phép, lớp học công nghệ thông tin nâng cao phải ra Hà Nội học tiếp. Hàng ngày, các bạn phải thay nhau cõng Tuấn lên tận tầng 6 để học.
“Khi lên Hà Nội học, bố mẹ thuê phòng cho tôi ở ngoài. Trong xóm có rất đông người, trong đó có cô gái tên Linh, đang là công nhân, giữa chúng tôi nảy sinh nhiều tình cảm. Tôi tỏ tình với Linh và cô ấy đã nhận lời”, Tuấn quay về phía người vợ hai người nhìn nhau với ánh mắt đầy yêu thương.
Hai người đã có với nhau một cháu bé gái 4 tuổi. Linh đang mang bầu bé thứ hai.
Thời còn sinh viên, Tuấn kèm một số học sinh ôn thi đại học các môn toán, lý, hóa và các em đều đạt điểm cao trong các kỳ thi. Tiếng lành đồn xa, số học sinh đến học chỗ thầy Tuấn ngày một nhiều. “Lớp học của tôi đang có 600 học sinh từ lớp 10 đến lớp 12 ôn luyện. Hàng năm có khoảng 80% đỗ đại học” - Thầy Tuấn cho biết