Sau 30 năm tự học trên giường bệnh và những đêm miệt mài gõ bài với chỉ 3 ngón tay tới tận 2-3h, hai anh em Tuấn và Tú đã cho ra đời hàng nghìn bài báo. Họ làm việc vì mong muốn khẳng định dù tàn tật vẫn có ích cho xã hội và những người xung quanh.
10 năm nay, độc giả của hàng chục tờ báo cả nước đã thân quen với hai tác giả Vũ Anh Tuấn và Vũ Anh Tú ký tên dưới mỗi bài bình luận, tổng hợp hoặc dịch tin từ báo nước ngoài. Nhưng ít ai biết hai “nhà báo không thẻ” ấy chưa từng được cắp sách tới trường bởi mắc căn bệnh teo cơ giả đại phì.
Ông Tuấn Tú và người thân trong gia đình. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Vũ Anh Tú đang viết bài. Ảnh Thế Kha
Trong căn phòng rộng chừng 15 m2 ở số 10, ngõ 9, đường Liễu Giai, quận Ba Đình, Hà Nội luôn có 2 chiếc máy tính nối mạng. Người anh nằm trên giường hì hụi gõ bài, người em ngồi xe lăn truy cập vào các tờ báo lớn trên thế giới tìm và dịch tin. Họ đang là cộng tác viên cho hàng chục tờ báo trong nước. Chỉ vào đống báo xếp ngăn nắp trên giường, trong hộc tủ, anh Tuấn cho biết: “Đó là gia tài của cả hai anh em tôi”.
Năm 1967, cậu con trai Vũ Anh Tuấn chào đời mang đến niềm vui lớn cho vợ chồng Vũ Quốc Bình và bà Lê Thị Hảo, công nhân công ty da dày Hải Phòng. Hạnh phúc chưa được bao lâu thì tai họa ập xuống. Chưa đầy hai tuổi, Tuấn mắc căn bệnh teo cơ giả đại phì. Đôi chân cậu bé cứ teo tóp dần, cơ tay rồi khắp người không phát triển được. Hai vợ chồng ông Bình đưa con chạy chữa khắp nơi nhưng bệnh tình không hề thuyên giảm.
Sau khi sinh một người con gái khỏe mạnh và xinh xắn, ông bà Bình lại nung nấu có thêm cậu con trai lành lặn. Mùa đông năm 1976, Vũ Anh Tú ra đời trong sự vui mừng khôn xiết dù khi đó những khoản tiền vay để chạy chữa cho người con trai cả tàn tật vẫn chưa trả hết. Bất hạnh thay, chỉ sau đó hơn 1 năm, Tú cũng không thể đi lại được như anh trai của mình.
Những tài sản quý giá trong nhà ông bà Bình lần lượt đội nón ra đi theo những chuyến “vái tứ phương” chữa bệnh cho hai con trai. Cuối cùng, vợ chồng ông Bình đành nuốt nước mắt vào trong, chấp nhận số phận.
Vũ Anh Tuấn đang đọc các báo nước ngoài để viết bài tổng hợp. Ảnh Thế Kha
Anh Tuấn nhớ lại, khi còn nhỏ, nhà gần trường học nên hàng ngày, qua khung cửa sổ, nhìn bạn bè trang lứa nô nức tới lớp, Nghe tiếng trống trường, tiếng hát quốc ca chào cờ mỗi sáng thứ 2 đầu tuần mà nước mắt anh cứ tự rơi lã chã. Biết số phận mình kém may mắn, bố mẹ lại bận mưu sinh, lo cho hai chị em gái ăn học nên anh chỉ biết cố gắng ngoan ngoãn ở nhà. “Tôi nhờ chị gái và mấy người bạn dạy chữ cái rồi tập viết. Cả hai bàn tay chỉ có 3 ngón hoạt động nên nhiều khi phải bặm môi chịu đau để viết chữ cho thẳng hàng”, anh Tuấn tâm sự.
Rồi bằng cách học này, anh cũng học hết chương trình phổ thông, làm gia sư cho nhiều em nhỏ trong xóm. Sau này cũng là “thầy giáo” duy nhất cho cậu em có cùng hoàn cảnh của mình.
Bà nội rất thương hai anh em, đi khắp xóm mượn sách, truyện về cho cháu học. Chỉ mấy năm, những cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của Lev Tonxtoi, Victo Huygo, Banzac… đã được hai anh em Tuấn đọc hết.
Tình cờ xem được chương trình dạy tiếng Anh trên truyền hình, anh Tuấn miệt mài học theo. “Người ta học tiếng Anh để có công cụ mưu sinh hoặc học lên cao nữa còn mình thì học vì muốn đốt thời gian", anh Tuấn kể. Nhưng càng học càng mê say, không lâu sau anh Tuấn phải nhờ người quen trên Hà Nội mua thêm sách để hoàn thiện khả năng ngoại ngữ của mình.
Anh thành thạo rồi lại dạy cho em. Mấy chục năm hai anh em nằm cạnh nhau trên một chiếc giường, kiến thức thu trở thành khối tàn sản chung cho hai bộ óc vẫn lớn dần theo lứa tuổi.
Cuộc đời thay đổi thực sự vào năm 1998 khi cả gia đình ông Bình chuyển lên Hà Nội sống cùng người con gái đầu lòng. Anh Tuấn và Tú được chị gái mua tặng một chiếc máy tính để bàn có nối mạng internet.
Một lần, anh Tuấn mạnh dạn dịch bài thơ "Vì anh yêu em" của Hughes (Mỹ) gửi báo Sinh viên Việt Nam tham dự cuộc thi "Dịch thơ từ tiếng nước ngoài ra tiếng Việt", không ngờ lại đoạt giải nhất. "Đó là sự khích lệ lớn lao để mình tự tin tiếp tục theo đuổi công việc dịch thuật, viết báo. Những bài báo lần lượt được dịch và đăng tải khiến mình rất vui, lôi kéo cả Tú tham gia. Không ngờ đó lại cái duyên gắn hai anh em với một nghề không hề dễ dàng để chứng minh được rằng người nằm một chỗ vẫn còn có ích cho xã hội”, Tuấn bồi hồi nhớ lại.
Sau cuộc thi này, anh Tuấn dịch nhiều bài báo gửi đến các tòa soạn và đã được đăng tải khiến anh rất vui. Dần dà, anh lôi kéo cả người em trai của mình tham gia. “Không ngờ đó lại cái duyên gắn hai anh em tôi với nghề báo. Chúng tôi muốn cùng khẳng định mình vẫn có thể làm được những điều có ích cho xã hội”, anh Tuấn bồi hồi nói.
Ông Tuấn Tú và người thân trong gia đình. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Hiện Tuấn là cộng tác viên thường xuyên cho cả chục tờ báo trong nước. Anh thường chú trọng tới các bài viết bình luận, tổng hợp, đi sâu vào nhiều sự kiện văn hóa, xã hội nóng bỏng đang xảy ra trên thế giới. Anh Tú lại có thêm niềm đam mê công nghệ nên các bài dịch chủ yếu cho chuyên mục công nghệ của báo điện tử Truyền hình cáp Việt Nam. Anh Tú cho biết: “Mỗi ngày trôi qua mà không cung cấp cho độc giả những tin bài cần thiết thì đó chính là lúc mình cảm thấy chán nản nhất”.
Để dịch và gõ xong một bài dài chừng 800 - 1.000 chữ từ các báo nổi tiếng trên thế giới như Reuters, BBC, AP, AFP… trung bình hai anh em phải mất hơn 3 giờ. Nhiều đêm dịch bài mà chân tay tê dại, hai anh phải nhờ bố mẹ giúp xoay lại tư thế nằm, ngồi cho thoải mái.
Anh Tuấn tâm sự: "Nhiều khi bố mẹ cùng thức với chúng tôi đến 2 - 3h. Vì vậy, chúng tôi càng phải cố gắng nhiều hơn. Nhuận bút kiếm được vẫn đủ cho bố mẹ mua gạo, thuốc men cho hai anh em hàng tháng. Chúng tôi còn sức khỏe thì các bài báo có ích còn đến tay độc giả”.
Nguồn: Internet