* Học kỹ từng bài: Thí sinh cần bám sát nội dung sách giáo khoa, nghĩa là phải chú trọng các phần lý thuyết cơ bản, đọc kỹ lý thuyết rồi làm bài tập đầy đủ từ dễ đến khó. Cần nắm chắc phần cơ bản, nếu chưa nắm chắc thì không nên dồn thời gian cho phần nâng cao; các bài tập không tự giải được thì sau khi nghe thầy giảng (hoặc tìm đọc tài liệu tham khảo) phải tự mình thực hiện lại lời giải một cách độc lập cho đến khi thành thạo và chủ động.
* Ôn bài từng đoạn: Sau khi làm bài tập áp dụng cho từng bài, cuối mỗi chương cần làm bài tập ôn để nhìn lại các bài toán có tính chất tổng hợp và đó cũng là dịp tập huy động kiến thức liên quan để giải một bài toán. Việc làm này rất cần thiết vì các bài toán tổng hợp thường sẽ rất gần giống với đề thi.
* Chú ý các kiến thức lớp 10 và 11: Đây là phần kiến thức nền tảng về Hình học không gian, Lượng giác và Đại số (phương trình, bất phương trình và hệ phương trình) thường có trong các đề tuyển sinh ĐH mà lớp 12 thì không dạy trực tiếp. Thực tế cho thấy rất đông thí sinh làm bài kém ở phần các câu hỏi ở nội dung này, nếu không nắm vững chương trình lớp 10 và 11 thì cần phải có kế hoạch tự ôn tập một cách đều đặn, bền bỉ từng tuần, từng tháng; không thể ôn cấp tập trong một thời gian ngắn.
* Kế hoạch học tập hợp lý: Để tiết kiệm thời gian và sức lực, đồng thời có kết quả cao nhất thì cần có một kế hoạch học tập hợp lý. Cần thu xếp học bài trong thời gian sớm nhất sau khi nghe giảng. Học ở đây có nghĩa là đọc và tìm hiểu kỹ sách giáo khoa, sau đó làm bài tập áp dụng rồi đến bài tập nâng cao. Càng để cách lâu thì càng tốn nhiều thời gian và sức lực hơn để đạt cùng một kết quả. Khi nghe giảng, có những điều chưa hiểu kỹ, nếu học sớm sẽ được khôi phục rất nhanh; để lâu sẽ mờ dần, phần không hiểu sẽ tốn rất nhiều thời gian mà chưa chắc đã nắm được bài. Điều này rất dễ thấy nhưng học sinh thường hay có thói quen đợi đến khi nào gần thi mới học, thật không hợp lý. Vì vậy cần học thật sớm, tốt nhất là ngay sau khi nghe giảng xong và học thành nhiều lần. Có thể lần đầu học qua, chỉ làm các bài tập áp dụng, lần 2 mới làm các bài tập nâng cao để soi rọi các kiến thức cơ bản mà mình chưa nắm vững, tích lũy thêm một số xảo thuật. Đối với môn toán thì không nên cố mà nhớ những điều không hiểu, vì như thế chỉ làm tốn công vô ích, mất công sức không đâu mà còn dễ thất bại vì nhớ lan man; chỉ có hiểu thật rõ thì tự động sẽ nhớ dễ dàng.
* Tránh học quá khuya: Không nên học khi đã quá mệt vì học lúc mệt sẽ không mang lại kết quả tốt mà còn rất có hại cho sức khỏe. Khi học nên tập trung cao độ để rút ngắn thời gian mà vẫn có kết quả cao, nhờ đó giữ gìn tốt sức khỏe. Cần phân chia thời gian học tập sao cho việc học thật đều đặn, bền bỉ và vừa sức. Gần đến ngày thi, các em nên giảm cường độ, chủ yếu là đọc lại để sắp xếp các kiến thức đã học, chú ý các lỗi thường vấp, xem kỹ các công thức mà mình hay quên.
Bí quyết làm bài điểm cao:
Các bạn thí sinh nên tin rằng, để đạt điểm cao khi thi vào đại học như hiện nay là không khó. Tuy nhiên, để đạt được mong muốn, các bạn thí sinh cần biết cách ôn tập một cách thông minh và hiệu quả. PGS.TS Nguyễn Vũ Lương - Chủ nhiệm Khối chuyên Toán - Tin, Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN chia sẻ kinh nghiệm làm bài thi Toán vào đại học.
Thầy Lương cho biết, tôi không tin vào những bài viết các học sinh đạt thủ khoa nhờ tự học, nhờ tài năng cá nhân… mà đó là nhờ hướng dẫn chu đáo của các thầy cô.
Các đề thi đại học trong những năm gần đây có phần dễ hơn so với các năm trước: Nội dung thi tập trung vào chương trình lớp 12. Độ phức tạp của các câu hỏi thì ít, mỗi đề thi chỉ có từ 1-2 câu hỏi nhỏ.
Khi làm bài, trước hết ta đặt câu hỏi và đạt được các mục tiêu sau sau đây? Đúng: Có cách giải đúng. Nhanh: Hoàn thành từng bài toán trong thời gian ngắn nhất để dành thời gian nhiều nhất cho các bài toán khác. Hoàn thiện: Phải biết cách trình bày đầy đủ từ điều kiện xác định của bài toán để việc loại bỏ nghiệm lạ hay giải thích, chứng minh đầy đủ các bước giải của mình.
Bước thứ 1: Sưu tầm bài toán. Trước hết các bạn sưu tầm các bài toán cho từng nội dung ôn tập. Chú ý không nên quan tâm đến những bài toán quá khó và không có lời giải một cách cơ bản, mẫu mực để tránh lãng phí thời gian một cách vô ích.
Bước thứ 2: Ôn tập theo kỹ năng chính. Mỗi bài toán giải được nhờ một kỹ năng chính (then chốt). Việc phát hiện các kỹ năng này là những thách thức người giải tạo nên sự hấp dẫn lôi cuốn người học. Khi ôn tập các bạn chỉ cần ghi lại các kỹ năng chính cho từng bài tập. Vì các bài toán thi đại học không khó nên có nhiều kỹ năng chính dùng cho một hay nhiều dạng bài tập. Chính vì vậy trong 2 tiết học thày, trò của trường chúng tôi có thể giải từ 30-40 bài toán (được thầy giáo chuẩn bị trước). Học theo cách này các bạn sẽ tự tin hơn khi thì vì mọi bài toán các bạn đều rất nhanh chóng tìm ra hướng giải. Như vậy chúng ta đạt được hai mục tiêu: Đúng (giải được), Nhanh (thời gian ngắn nhất).
Bước thứ 3: Tự học và tập hoàn thiện các bài toán theo kỹ năng chính. Khi trình bày mỗi bài toán các bạn phát biểu và chứng minh các kỹ năng chính và sau đó sử dụng các kỹ năng này thu được lời giải của bài toán (cách trình bày này đơn giản, dễ hiểu và hấp dẫn người đọc). Chắc các bạn đều thích các trình bày này vì nó bắt chước trình tự các nhà khoa học viết các công trình khoa học.
Điều tôi mong muốn là những điều mà tôi trình bày sẽ giúp các bạn đạt kết quả tốt trong kỳ thi đại học tới, PGS.TS Nguyễn Vũ Lương nói.
CHúc các bạn thành công trong việc học môn toán nhé!