So với các khối thi khác, thí sinh dự thi khối D ngày càng có nhiều cơ hội lựa chọn khi nhiều ngành trước đây vốn chỉ tuyển khối A hoặc C, thì 2 năm trở lại đây đã bổ sung khối D.
Các ngành ngoại ngữ: Điểm trúng tuyển không cao
Các khoa, trường ngoại ngữ có điểm trúng tuyển không cao. Với môn ngoại ngữ đã được nhân hệ số 2, khoa Ngoại ngữ, ĐH Thái Nguyên có điểm trúng tuyển ngành SP tiếng Anh là cao nhất - 22,0 điểm. Ngành SP song ngữ Trung - Anh, điểm trúng tuyển là 20,5. Các ngành SP tiếng Pháp, SP tiếng Trung, SP song ngữ Nga - Anh, cử nhân tiếng Anh, điểm trúng tuyển chỉ là 18,5.
Cũng môn ngoại ngữ đã được nhân hệ số 2, Trường ĐH Ngoại ngữ thuộc ĐH Đà Nẵng có mức điểm còn thấp hơn. Các ngành SP tiếng Anh lấy điểm trúng tuyển là 20,5, cử nhân tiếng Anh 19,5, cử nhân tiếng Nhật 21,0, cử nhân tiếng Hàn Quốc 19,0. Còn lại, các ngành SP tiếng Pháp, SP tiếng Trung, cử nhân tiếng Nga, cử nhân tiếng Trung, cử nhân tiếng Thái Lan, cử nhân tiếng Anh thương mại, lấy điểm trúng tuyển là 16,5. Ngành cử nhân tiếng Pháp có điểm trúng tuyển thấp nhất - 15,5 điểm.
ĐH Ngoại ngữ (ĐH Huế) không nhân hệ số môn ngoại ngữ, điểm trúng tuyển các ngành tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Hàn Quốc chỉ bằng mức điểm sàn khối D của bộ - 13,0 điểm. Ngành SP tiếng Anh và tiếng Anh có điểm trúng tuyển nhỉnh hơn một chút, lần lượt là 15 điểm và 14,5 điểm.
Hai trường đào tạo ngoại ngữ có điểm trúng tuyển cao nhất là ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội) và ĐH Hà Nội. Với môn ngoại ngữ nhân hệ số 2, ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia HN) có điểm trúng tuyển các ngành từ 24 điểm trở lên, trong đó cao nhất là ngành tiếng Anh phiên dịch 27, tiếng Pháp phiên dịch cùng có điểm trúng tuyển là 27 đối với khối D1. Các ngành đào tạo ngoại ngữ của Trường ĐH Hà Nội có điểm trúng tuyển khá chênh lệch. Ngành tiếng Anh có điểm trúng tuyển là 24,5, tiếng Nga D1: 20/D2: 25,5...
Thấp hơn cả A lẫn C
Năm 2008, nếu như một trường, ngành tuyển sinh cả hai khối A và D hay D và C thì điểm trúng tuyển của khối D thường thấp hơn điểm trúng tuyển của khối còn lại. Điều này hơi khác với năm 2007, khi điểm trúng tuyển của khối D thấp hơn khối A, nhưng lại cao hơn khối C.
Trường "top" ĐH Ngoại thương cơ sở phía bắc năm 2008 có điểm trúng tuyển khối D thấp hơn khối A khá nhiều. Nếu như khối A có điểm sàn là 25 thì điểm sàn khối D1 chỉ là 22,5 và các khối D2, D3, D4 và D6 là 23 điểm. Điểm trúng tuyển năm 2007 đối với khối A là 26 điểm; khối D1, D2 và D4 là 23 điểm; và khối D3 là 23,5 điểm. Tại cơ sở phía nam, điểm sàn trúng tuyển năm 2008 của khối A là 24, khối D1 là 22 và D6 là 23...
Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia HN) cũng tuyển sinh song song cả hai khối A, D1. Điểm trúng tuyển ngành kinh tế chính trị khối A là 18,5 điểm/khối D1 là 18 điểm, ngành kinh tế đối ngoại 24/22,5, quản trị kinh doanh 21,5/21, tài chính - ngân hàng 22/20, kinh tế phát triển 18,5/18.
Tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia HN), điểm trúng tuyển nhiều ngành giữa khối D và C cũng có sự chênh lệch. Ngành khoa học quản lý khối C có điểm trúng tuyển là 19,5, nhưng khối D chỉ có điểm chuẩn 18,5; lịch sử C 20,5/D 19,5, báo chí C 19,5/D 19,0...
Nhiều ngành học của HV Báo chí - Tuyên truyền cũng có điểm trúng tuyển khối D thấp hơn khối C 1 - 2 điểm. Các ngành của Trường ĐH Kinh tế và Quản trị kinh doanh thuộc ĐH Thái Nguyên đều tuyển sinh 2 khối A và D1 với điểm trúng tuyển khối D1 thấp hơn hoặc bằng khối A.
Tuy nhiên, khoa Kinh tế (ĐH Quốc gia TPHCM) năm 2008 lại có điểm trúng tuyển khối D1 (không nhân hệ số) bằng với điểm trúng tuyển khối A cùng ngành đào tạo, dao động từ 16 đến 22 điểm. Ba ngành có điểm trúng tuyển thấp nhất - 16 điểm - là kinh tế và quản lý công, luật thương mại quốc tế, và luật dân sự. Các ngành có điểm trúng tuyển cao là tài chính - ngân hàng 22; kinh tế đối ngoại 19,5; kế toán - kiểm toán và quản trị kinh doanh cùng 19,5 điểm.