Bảy năm trước, thầy giáo Nguyễn Như Văn (Hoài Nhơn, Bình Định) bị xe đụng. Người mẹ già 70 tuổi phải tần tảo sáng tối gánh cháo đi bán để nuôi người con nằm liệt...
Không có tiền đưa con đi bệnh viện, nhiều năm ròng, bà Hoài tự chữa trị cho thầy Văn theo cách riêng của tình mẫu tử
Nhìn con thoi thóp trên giường bệnh, đầu và cột sống bị chấn thương nặng, người mẹ ấy ngất đi. Tỉnh dậy, bà tất tả chạy trong đêm mượn tiền để đưa con vào Sài Gòn… Hơn một năm ròng rã chữa trị tại nhiều bệnh viện, vết thương ngoài da của thầy Văn đã lành, nhưng trí nhớ và mọi hoạt động của một con người dường như đã ngủ quên.
Con giờ đây là một thầy giáo không đủ sức đứng lớp, một người đàn ông không nói, không đi, không đứng, không tự lăn trở được… Bà Hoài lại gạt nước mắt, đưa con về ngôi nhà cũ ở thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Từ ngày đó, người mẹ tháo cái vạt của chiếc giường trong phòng ngủ kê lên nền nhà. Suốt bảy năm qua, đó là chỗ con nằm, đó là giường mẹ ngủ. Và đó cũng là nơi thấm đẫm nước mắt của bậc sinh thành.
Con từng là đứa con chịu cực, chịu khổ với gia đình nhiều nhất. Mười một tuổi, con mồ côi cha. Là anh cả nên con phải phụ mẹ gánh mắm, gánh hàng tạp hoá ra chợ bán để nuôi hai em. Nhọc nhằn vậy nhưng con luôn học giỏi và nuôi ước mơ trở thành thầy giáo. Tốt nghiệp đại học, con tình nguyện về dạy tại xã Ân Hữu – vùng núi đặc biệt khó khăn thuộc huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định.
Nghề giáo không giúp con giàu, song đó là một nghề cao quý. Thương làm sao mỗi khi con lội từ trường trở về nhà với đôi chân dính đầy bùn đất. Thương làm sao lần con mua tặng mẹ tấm áo từ tháng lương đầu tiên, tấm áo mà mẹ luôn xếp phẳng phiu bên gói long não để dành ngày tết mới dám lấy ra mặc. Rồi con có vợ và sinh cho mẹ hai cháu nội xinh xắn. Nhìn con, mẹ tưởng như không còn niềm hạnh phúc nào hơn. Ai ngờ đâu… khi đã là người đàn ông trung niên, con lại ngả vào vòng tay mẹ như thuở còn thơ bé. Ai ngờ đâu, người vợ hơn mười lăm năm hương lửa mặn nồng lại xem nghĩa vợ chồng như tấm áo, mặc rồi lại cởi ra. Khi con trai nằm liệt, con dâu đành đoạn dắt cháu nội đi biền biệt. Thôi thì… đôi vai già nua của mẹ sẽ gánh thay con đoạn đường đời nghiệt ngã.
Cứ 3 giờ sáng, bà Hoài lại trở dậy nấu cháo và gánh đi bán khắp các ngả đường
Để có tiền mua cho con từng viên thuốc, lạng thịt, cứ 3 giờ sáng, mẹ trở dậy nấu cháo dừa, cháo đậu xanh. Bất kể ngày mưa hay ngày nắng, mùa hè rát bỏng bàn chân hay ngày đông rét mướt, mẹ vẫn đều đặn gánh cháo đến những ngả đường thị trấn Bồng Sơn. Bảy mươi mùa xuân đã bạc thếch trên mái đầu, nhưng mẹ cũng phải tập gánh nặng, tập đi nhanh. Tất tả là vậy nhưng mỗi ngày, mẹ kiếm được 10.000 – 20.000đ. Nhiều khi mưa bão, hai mẹ con phải ăn cháo ế thay cơm.
Không có tiền để tiếp tục đưa con đi bệnh viện, bao nhiêu năm qua, mẹ cứ ngồi cạnh con, chữa bệnh cho con theo cách riêng của tình mẹ. Mẹ xoa bóp, tập vật lý trị liệu. Mẹ kể những câu chuyện ngày xưa để khơi lại trí nhớ trong con. Bằng hơi ấm của bàn tay chai sần, bằng tình thương vô bờ bến, con dần có dấu hiệu hồi phục. Con đã có thể tự lăn trở những khi mỏi. Dù không nói được, nhưng mỗi lần mẹ hỏi: “Con có thương mẹ không? Con có nhớ trường lớp, nhớ học trò không?”, con có thể giơ ngón tay lên thay cho câu trả lời. Mẹ kể: Sau bao năm tưởng chừng không nhận biết được gì, một ngày nọ, con chợt mếu máo khóc khi đồng nghiệp và học trò cũ đến thăm. Dù không thể khóc ra nước mắt, dù không nói thành lời, nhưng có lẽ, trường lớp, học trò là một khoảng thiêng liêng, sâu thẳm nhất trong tâm hồn thầy giáo Nguyễn Như Văn.
Người già ai cũng hay lo, nhưng nỗi lo của mẹ quá dài, nó không tính bằng ngày, bằng tháng, bằng năm mà nhiều hơn thế nữa. Năm nay mẹ đã bảy mươi, con năm mươi tuổi rồi còn gì. Mẹ cũng không còn đủ sức ẵm con lên xe lăn mỗi lần giúp con làm vệ sinh cá nhân.
Không biết, đôi vai gầy ấy còn đủ sức gánh cháo nuôi con đến bao giờ…
Nguồn : Internet.